Từ đầu năm 2023 đến nay, TP Cần Thơ đạt được những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số (CÐS), giữ vững thành tích là một trong những địa phương đứng tốp đầu cả nước về mức độ CÐS. Các cấp, các ngành thành phố đang tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh CÐS, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Viettel giới thiệu các giải pháp CĐS với công nghệ Viettel tại Hội thảo CĐS ngành Y tế Cần Thơ mới đây.
Kết quả tích cực
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), xếp hạng CÐS cấp tỉnh năm 2022 có 5 địa phương dẫn đầu gồm: TP Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và TP Cần Thơ; 9 địa phương dẫn đầu về nhận thức số gồm: Ðà Nẵng, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Ngãi, Lào Cai; 14 địa phương dẫn đầu về thể chế số gồm: Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Hưng Yên, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu; 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số gồm: TP Hồ Chí Minh, TP Ðà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang; 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số gồm: TP Ðà Nẵng, Hà Nam, Long An, Tiền Giang, TP Cần Thơ, Ðiện Biên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái.
Về đánh giá cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT triển khai thực hiện từ ngày 1-3 đến 31-3-2023 (đối tượng cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 địa phương). Mức độ đánh giá: A từ 90 điểm đến 100 điểm, B từ 80 đến 89 điểm, C từ 65 đến 79 điểm, D từ 50 đến 64 điểm, E dưới 50 điểm. Kết quả đánh giá Cổng dịch vụ công khối tỉnh các địa phương đứng đầu gồm: TP Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Bình Ðịnh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, TP Ðà Nẵng (đều mức độ A)… Trong đó, cổng dịch vụ công TP Cần Thơ sử dụng giải pháp dịch vụ công điển hình công nghệ của Unitech, theo hình thức đầu tư mua sắm giải pháp, có kết quả đánh giá chất lượng cao nhất trong 63 địa phương. Trong 11 cổng dịch vụ công đạt mức độ A, có 2/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, 2/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Viettel và 7/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của VNPT.
Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ, xếp hạng đánh giá mức độ CÐS (DTI) năm 2022, TP Cần Thơ xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Theo đánh giá của Bộ TT&TT thì các chỉ số TP Cần Thơ đạt tốt như nhân lực số hạng 5/63, an toàn thông tin mạng hạng 2/63 và hoạt động kinh tế số hạng 6/63... Về kết quả CÐS 6 tháng đầu năm 2023, trong 26 chỉ tiêu và 106 nhiệm vụ theo Kế hoạch số 38/KH-UBND của UBND thành phố có 12 chỉ tiêu hoàn thành 100%, 11 chỉ tiêu hoàn thành 50%, 1 chỉ tiêu hoàn thành dưới 50% và 2 chỉ tiêu chưa xác định; 31 nhiệm vụ hoàn thành, 68 nhiệm vụ đang thực hiện, 6 nhiệm vụ chưa thực hiện và 1 nhiệm vụ hoãn.
Năm 2023, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Danh mục nhiệm vụ CÐS trọng tâm tại một số sở, ngành, địa phương với 33 nhiệm vụ. Ðến nay đã hoàn thành 9/33 và đang thực hiện 24/33 nhiệm vụ. Một số kết quả nổi bật như Sở Nội vụ đã hoàn thành triển khai hệ thống quản lý cán bộ, công chức và viên chức và đang trong giai đoạn đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức và viên chức lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức và viên chức; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tỷ lệ 100%; Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành triển khai trợ lý ảo hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành triển khai phần mềm quản lý thư viện đến các thư viện quận, huyện trên địa bàn thành phố; quận Bình Thủy và huyện Phong Ðiền đã triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tại UBND quận/huyện; quận Ô Môn đã hoàn thành triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM cho 25/25 cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến THPT; huyện Vĩnh Thạnh đã hoàn thành lắp đặt Internet, wifi công cộng cho 54/54 ấp…
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CÐS được các ngành, các cấp địa phương quan tâm thực hiện qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau như qua phương tiện truyền thông đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Các hệ thống dùng chung như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; Tổng đài 1022 tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người... góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; các dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch cũng từng bước phát triển.
Tăng cường các giải pháp CĐS
Theo Sở TT&TT TP Cần Thơ, trọng tâm CÐS những tháng cuối năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức, người dân và doanh nghiệp về CÐS; triển khai các hoạt động Ngày CÐS quốc gia 10-10; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để phát triển dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ban hành kế hoạch phát triển dữ liệu số; kiểm tra, đánh giá và duy trì dữ liệu số, triển khai tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị (dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục, nông nghiệp....) về kho dữ liệu của thành phố phục vụ chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị và cung cấp dữ liệu mở cho tổ chức, cá nhân. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, hoàn thiện ứng dụng phục vụ người dân; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hoàn thiện triển khai phương án an toàn hệ thông thông tin theo cấp độ; tổ chức tập huấn CÐS cho cán bộ, công chức, viên chức và Tổ Công nghệ số cộng đồng.
TP Cần Thơ cũng tập trung phát triển kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung góp phần phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CÐS. Phát triển xã hội số để hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ công, đào tạo, tri thức; phát triển hạ tầng cáp quang đến tất cả các hộ gia đình; hỗ trợ người dân có tài khoản thanh toán điện tử; triển khai ký số từ xa cho người dân có điều kiện sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân để khai thác dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến…
Bài, ảnh: ANH KHOA
nguồn "Báo điện tử Cần Thơ"