Năm 2023, chuyển đổi số (CÐS) của TP Cần Thơ đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Năm 2024, thành phố tiếp tục xác định CÐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CÐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ công, triển khai CÐS trong các ngành và lĩnh vực quan trọng.
Thời gian qua, TP Cần Thơ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh công tác CÐS. Trong ảnh: Cán bộ, công chức, viên chức thành phố tham gia Cuộc thi “Ðánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS năm 2023”.
Tích cực phát triển hạ tầng số, dữ liệu số
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ, trong năm 2023, hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố được chú trọng đầu tư, phát triển, thúc đẩy phát triển băng rộng cáp quang, đến nay có trên 80% hộ gia đình có kết nối mạng cáp quang, đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường, các trường học, cơ sở y tế. Mạng truyền số liệu chuyên dùng TP Cần Thơ đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn (83/83), các cơ quan Ðảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố. Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố; Trung tâm hiện cũng đang được triển khai phục vụ CÐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây (gồm 19 máy chủ vật lý đã được ảo hóa điện toán đám mây).
Về phát triển dữ liệu số, một số nền tảng số, cơ sơ dữ liệu dùng chung được triển khai như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kho dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước thành phố, kho quản lý dữ liệu số của tổ chức và cá nhân, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cổng dữ liệu thành phố, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin quản lý cán bộ công chức viên chức, nền tảng quy hoạch không gian, tổng đài cổng dịch vụ công thành phố 1022, nền tảng trợ lý ảo nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến… Triển khai các nhiệm vụ theo Ðề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia, đây là hợp phần trọng tâm cốt lõi trong thực hiện CÐS quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố hoàn thành kết nối, khai thác thành công thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo an ninh an toàn, đáp ứng yêu cầu.
Về xây dựng chính quyền số, cổng dịch vụ công TP Cần Thơ và hệ thống thông tin một cửa điện tử được được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (tại địa chỉ dichvucong.cantho.gov.vn) đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định và đã chuyển đổi sang IPv6, đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã và đã triển khai trợ lý ảo trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Năm 2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần và toàn trình là 1.363 (trong đó 264 DVCTT một phần, 1.099 DVCTT toàn trình, 100% DVCTT đủ điều kiện triển khai toàn trình); tổng số lượng hồ sơ trực tuyến là 122.928/238.278, đạt tỷ lệ 51,59%. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành triển khai 500 cơ quan, đơn vị với tổng số văn bản gửi và nhận liên thông là 973.784/993.658, đạt tỷ lệ 98%. Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 thành phố được duy trì để tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp; tổng số phản ánh là được tiếp nhận hệ thống tiếp nhận là 11.474...
Kết quả triển khai CÐS ngành và lĩnh vực, lĩnh vực y tế có 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh kết nối liên thông và gửi dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lên cổng giám định trực tuyến bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định; hình thành hệ thống hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân cho 99,2% dân số thành phố...
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố đã triển khai kho học liệu số toàn ngành, các bài giảng điện tử e-learning; 100% các trường học trên địa bàn đã triển khai thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu ngành; 100% học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên đều có hồ sơ số về kết quả học tập; trên 50% học sinh và 100% giáo viên có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến)… Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ; trên địa bàn thành phố được lắp đặt 413 máy ATM, 7.951 chiếc POS/EFTPOS và 5.892 đơn vị chấp nhận thẻ…
Lĩnh vực nông nghiệp, thành phố triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 222 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; xây dựng trang thông tin điện tử “chonongsancantho.vn”... Lĩnh vực giao thông vận tải: hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) TP Cần Thơ giai đoạn 1 - dự án đã được phê duyệt; sử dụng hệ thống phần mềm cấp phù hiệu, biển hiệu, cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phương tiện của Bộ Giao thông vận tải…
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS của 24 lớp dữ liệu và xây dựng, hoàn thiện cổng dữ liệu bản đồ thành phố đang vận hành thử nghiệm tại địa chỉ gis.cantho.gov.vn… Lĩnh vực du lịch triển khai và nâng cấp cổng thông tin điện tử du lịch tại địa chỉ: http://mycantho.vn; http://canthotourism.vn/10; ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động đã được nâng cấp, tăng cường các chức năng kết nối, tra cứu thông tin đầy đủ và chất lượng, giá cả của các điểm du lịch một cách nhanh chóng, số hóa điểm du lịch…
Chuyển đổi số cần thực chất
Năm 2024, Sở TT&TT TP Cần Thơ đề xuất nhiệm vụ trọng tâm CÐS là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về CÐS; triển khai các hoạt động Ngày CÐS quốc gia 10-10; tuyên truyền rộng rãi về Ðề án 06; các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến và VNeID. Tuyên truyền người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia và tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Sở TT&TT TP Cần Thơ cũng xác định phát triển chính quyền số, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp CÐS, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển xã hội số để hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ công, đào tạo, tri thức; phát triển hạ tầng cáp quang đến tất cả các hộ gia đình; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình phổ cập điện thoại di động thông minh; hỗ trợ người dân có tài khoản thanh toán điện tử; triển khai ký số từ xa cho người dân có điều kiện sử dụng các dịch công trực tuyến; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân để khai thác dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến. Ðặc biệt là tiếp tục triển khai CÐS trong các ngành lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, du lịch.
Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ, cho rằng: Năm 2024, ngành TT&TT tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, trong đó tập trung phát triển mạng 5G tại các khu vực trung tâm, các trường đại học, bệnh viện, các khu công nghiệp, các khu vực đông dân cư...
Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, phát triển hạ tầng viễn thông phải gắn liền với đảm bảo mỹ quan đô thị, dùng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông và giúp người dân có quyền lựa chọn doanh nghiệp và dịch vụ theo yêu cầu. Năm 2023, lần đầu tiên TP Cần Thơ lọt vào tốp 5/63 tỉnh, thành về chỉ số CÐS (DTI), tăng 10 bậc so với năm trước; cũng lần đầu tiên lọt vào tốp 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index), tăng 2 bậc so với năm 2020. Ðây là kết quả phấn đấu của toàn ngành TT&TT nói riêng và của thành phố nói chung. Trong năm 2024, thành phố phấn đấu để duy trì thứ hạng đã đạt được, đồng thời tiếp tục phấn đấu hơn nữa để CÐS thực chất đi vào đời sống kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: ANH KHOA
nguồn "Báo điện tử Cần Thơ"