Ngành Hải quan tập trung cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số

Ngày đăng: 30/03/2024 - Chuyên mục: Tin hoạt động địa phương

Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp (DN) luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thời gian qua, hoạt động này mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng DN, được Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2024, ngành Hải quan tập trung vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số (CĐS) và nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan đối với cộng đồng DN.

 

Cán bộ công chức Cục Hải quan TP Cần Thơ trao đổi với doanh nghiệp bên lề Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật và giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp tổ chức năm 2023.

Thước đo đánh giá chất lượng

Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục. Tại cấp Tổng cục, hoạt động đối tác tập trung vào các vấn đề hoàn thiện, giải đáp chính sách, pháp luật, phương thức quản lý nhà nước về hải quan; cấp Cục hoạt động đối tác gắn với vấn đề tổ chức thực thi pháp luật; tại cấp Chi cục hoạt động đối tác gắn với các hoạt động thực tế, trực tiếp thường xuyên hàng ngày của đơn vị. Các hoạt động đối tác thời gian qua đã được chuẩn hóa và triển khai theo hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) trên 4 nhóm giải pháp lớn: thông tin, tham vấn, tham gia và hợp tác.

Cơ quan Hải quan luôn coi mức độ hài lòng của DN là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, coi DN là đối tác tin cậy để cân bằng giữa hai mặt quản lý và phục vụ, tạo điều kiện tốt cho cộng đồng DN tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan trong bối cảnh khó khăn mà DN gặp phải, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan trong thực thi công vụ.

DN khi tham gia các hoạt động do cơ quan Hải quan triển khai cũng nhận được nhiều lợi ích. Ðó là, được tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về văn bản chính sách pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực hải quan. DN có thể tham gia góp ý phản biện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các Hiệp hội DN vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật hải quan. DN được đóng góp ý kiến, trí tuệ của mình vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, từ đó DN có hiểu biết cũng như chia sẻ với cơ quan Hải quan, đồng thuận với cơ quan Hải quan, tăng tính tuân thủ chấp hành pháp luật, thực hiện tốt pháp luật nhà nước về hải quan. Ngoài ra, DN có thể tham gia vào các hoạt động hợp tác với cơ quan Hải quan, đề xuất các chương trình hợp tác chuyên đề với cơ quan Hải quan và tham gia giám sát thực thi pháp luật Hải quan thông qua các cuộc khảo sát của cơ quan Hải quan.

Cục Hải quan TP Cần Thơ xem phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh của DN trong quá trình làm thủ tục tại cơ quan Hải quan. Song song đó, công tác phổ biến chính sách pháp luật cũng được Cục và các chi cục quan tâm triển khai một cách nhanh chóng bằng nhiều hình thức. Qua đó, hầu hết các DN đánh giá cao công tác cải cách hành chính, công tác hỗ trợ DN, giải quyết vướng mắc của Cục Hải quan TP Cần Thơ trong thời gian qua.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Trong Kế hoạch CÐS, ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, với các chỉ tiêu: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, DN và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Ðối với quản trị nội ngành, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản... Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025.

Với mục tiêu giúp cộng đồng DN nắm bắt, hiểu và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác với cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Nội dung của Kế hoạch xoay quanh 5 nội dung chính: Thông tin, hỗ trợ, tham vấn, hợp tác và giám sát. Tuy nhiên, năm 2024 được xác định là năm đẩy mạnh CÐS trong quản lý nhà nước của ngành Hải quan, là cơ sở quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh, theo chủ trương của Ðảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, CÐS và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, 5 hoạt động chính trong Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp cũng tập trung vào nội dung liên quan đến CÐS. Trong Kế hoạch công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024 tại Cục Hải quan TP Cần Thơ cũng đề ra 5 hoạt động chính gồm: Thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP Cần Thơ, các hoạt động được Cục triển khai thực hiện theo phương pháp hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật hải quan cho người khai hải quan, người nộp thuế, DN trên địa bàn quản lý qua trang thông tin điện tử của Cục, các địa điểm làm thủ tục hải quan và bằng nhiều hình thức phù hợp để giúp DN nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và thực hiện theo đúng quy định pháp luật như tổ chức các hội nghị đối thoại, làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến; tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng, các hình thức hỗ trợ qua Zalo, Viber, email có kiểm soát...

Tại những nơi có điều kiện, Cục tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kiểm tra thực tế hàng hóa (ứng dụng QR, Zalo...) để DN có thể đăng ký kiểm tra thực tế hàng hóa từ xa, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN. Ðồng thời, duy trì hiệu quả các Tổ hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho DN; chủ động tìm hiểu, nắm bắt các vướng mắc, khó khăn, nhu cầu thực tế của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan trên môi trường điện tử; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, người dân trên địa bàn trong quá trình triển khai các nội dung CÐS ngành Hải quan; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả quá trình triển khai CÐS ngành Hải quan.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

nguồn "Báo điện tử Cần Thơ"

Chuyển đổi số quốc gia trên zalo