Các thành phố thời hậu COVID cần trở thành đô thị thông minh

Ngày đăng: 14/06/2022 - Chuyên mục: Tin tổng hợp

Không hiển thị được hình

Trong thời kỳ đầu đại dịch COVID, khi nhiều người chúng ta chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, nảy sinh câu hỏi: Làm việc tại nhà sẽ có tác động như thế nào đối với các thành phố. Trong nhiều năm qua, các thành phố được mặc định coi là động lực của các nền kinh tế, nơi tụ hội của tài năng và người tiêu dùng, điều này khiến cho các thành phố trở thành môi trường cực kỳ hấp dẫn thu hút nhiều người đến sinh sống, làm việc.

Động lực sáng tạo

Các thành phố từ xưa đến nay vẫn được coi là động lực của nền kinh tế. Trước COVID, Tokyo có GDP vào khoảng 1.600 tỷ USD. Tổng GDP của Tokyo, London, New York, Thượng Hải, Los Angeles dự tính khoảng 8.500 tỷ USD vào năm 2035.

Những thành phố lớn này, hay còn được gọi là những “nồi lẩu”, là những thành phố rất năng động về kinh tế cũng như xã hội. Sự giao thoa văn hoá, ý tưởng đã tạo nên sự thành công và sự hấp dẫn của các thành phố này. Có những dẫn chứng cho thấy các yếu tố kể trên vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng kể cả khi làm việc từ xa trở thành khả thi. 

Cũng có những ý kiến cho rằng cần đầu tư kỹ thuật số cho các thành phố để chúng trở nên hấp dẫn hơn nữa. Trong nhiều năm qua, phong trào đô thị thông minh tìm mọi cách để cùng hợp lực đằng sau một chiến lược chung, nhằm tạo ra một sự ủng hộ từ phía công chúng đối với những công nghệ mà họ chưa hiểu và chưa nhìn thấy được lợi ích từ đó.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến kết quả triển khai đô thị thông minh. Singapore thường xuyên đứng ở vị trí tốp đầu Chỉ số đô thị thông minh (Smart City Index) và điểm chung của những đô thị tốp đầu là quản lý đại dịch một cách hiệu quả  thông qua sử dụng các công nghệ thông minh.

Đại dịch là cú hích phong trào đô thị thông minh

Về tương lai của thời kỳ hậu COVID, những công nghệ đô thị thông minh đóng vai trò thiết yếu trong đại dịch có thể sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhằm đảm bảo các thành phố này tiếp tục sôi động trong tương lai. Klaus Kunzmann, làm việc tại trường Đại học Dortmund cho rằng đại dịch là cú hích cho phong trào đô thị thông minh.

Những bên ủng hộ phát triển đô thị thông minh sẽ có lợi từ cuộc khủng hoảng và chính những trải nghiệm từ thời kỳ phong toả tạm thời do COVID gây ra đã thúc đẩy tiến trình chuyển đối số tại các thành phố. Đại dịch đã thúc đẩy kinh tế số, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại các thành phố.

Các nhà nghiên cứu giải thích, “rõ ràng đại dịch đã tác động rất lớn đến sự đảm bảo kinh tế của những cá nhân thuộc về nhóm dễ bị tổn thương và nhóm bất lợi". Cần những nỗ lực hỗ trợ và cải cách chính sách về lâu dài để đối phó với những ảnh hưởng của thảm hoạ như vậy.

Sự bất bình đẳng ở đô thị

Nghiên cứu của Trường Kinh tế London cho thấy mật độ dân số có xu hướng phóng đại những bất bình đẳng này. Nghiên cứu cho thấy rằng những thành phố có đông dân cư thường có nhiều thuận lợi, có chỉ số đổi mới sáng tạo cao hơn, năng suất lao động cao hơn, tiếp cận với dịch vụ công và dịch vụ tư tốt hơn và thậm chí bảo tồn những mảng không gian xanh cũng ổn hơn.

Tuy nhiên, những thuận lợi này cũng đi kèm với những bất lợi như nhà cửa đắt đỏ hơn. Dữ liệu cho thấy những lao động có kỹ năng cao thường có mức lương cao hơn khi sống ở thành phố nhưng người lao động có kỹ năng hạn chế sẽ vất vả với mức sống cao ở những khu vực này. Một thành phố đông dân sẽ gặp những vấn đề về tắc nghẽn giao thông và những tác động tiêu cực đến sức khoẻ người dân.

Những thành phố đáng sống

Sự bình thường mới hậu COVID nhiều khả năng sẽ đặt ra các yêu cầu mới, đòi hỏi các thành phố phải xanh hơn, bền vững hơn vì đại dịch khiến cho nhu cầu về môi trường xanh và không khí sạch trở nên cấp thiết hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, “hai thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ các công cụ phân loại và đo đếm sự hoạt động của đô thị (xếp hạng, chỉ số…). Tất cả các công cụ này rất hữu ích trong hướng dẫn và đánh giá các chính sách của chính quyền địa phương liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tính bền vững.

Chỉ số Thành phố an toàn 2021 của Tổ chức Tình báo kinh tế cho biết các chính sách bền vững hiện đều được chính quyền thành phố xem xét nhưng thách thức là truyền được những kỳ vọng đó đến người dân. Có vẻ là công nghệ sẽ có vai trò quan trọng để hiện thực hoá những mục tiêu đầy tham vọng này.

Tính bền vững là chủ đề quan trọng của Đại hội Thế giới Di động năm nay. Ryan Ding (Huawei) đã giới thiệu chiến lược xanh của công ty theo đó, các công nghệ mới có thể giảm mức khí thải xuống 10 lần.

Những công nghệ này hỗ trợ nỗ lực của những nước như Singapore trở thành “Quốc gia thông minh”. Singapore đã trở thành nơi thử nghiệm các công nghệ dành cho thành phố thông minh. Hàng trăm đối tác Singapore và quốc tế hợp tác cùng nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thành phố này sẽ phải tiếp tục thông minh hơn, bền vững hơn nếu muốn tiếp tục phát triển rực rỡ hơn nữa.

Để điều này trở thành hiện thực, các thành phố số và thông minh cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đem lại những lợi ích thực sự, hữu hình cho người dân của mình. Rõ ràng cần phải minh bạch hơn nữa trong cách thu thập dữ liệu, sử dụng dữ liệu cũng như lôi kéo người dân tham gia sử dụng các giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, đại dịch đã thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong cách các thành phố tiếp cận và sử dụng công nghệ.

Giang Phạm (theo Forbes)

Nguồn: http://mic.gov.vn

Chuyển đổi số quốc gia trên zalo