Các đại biểu kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử tại điểm cầu TP Cần Thơ
Sáng ngày 21/4, Tổng cục Thuế Việt Nam, Bộ Tài chính tổ chức Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc. Lễ công bố được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Tổng cục Thuế và 476 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố và 413 Chi cục Thuế trên toàn quốc. Tham dự tại điểm cầu chính có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; tại điểm cầu TP Cần Thơ có Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng.
Theo Tổng cục Thuế, để triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định này là quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT kể từ ngày 1/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT. Đây là Nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.
Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Thành công trong triển khai HĐĐT giai đoạn 1 là nền tảng, tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện tiếp HĐĐT giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính bao phủ toàn diện của HĐĐT.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình triển khai HĐĐT giai đoạn 2, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó Tổng cục Thuế đã bổ sung thêm thành viên Tổ thường trực là đại diện lãnh đạo, phụ trách phòng của 8 Cục Thuế (Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Cần Thơ) nhằm huy động nguồn lực triển khai có kinh nghiệm quản lý thuế thực tế của một số Cục thuế đại diện cho các vùng miền trên cả nước.
Với sự chuẩn bị chu đáo cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Tổng cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đối với TP Cần Thơ, việc triển khai HĐĐT được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị của cả thành phố. Thành ủy, UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo, thành lập Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại địa phương. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về HĐĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai HĐĐT. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký mới triển khai áp dụng HĐĐT theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT, thời gian thực hiện, các đơn vị cung cấp HĐĐT đến tận các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật với mục tiêu đến ngày 15/6/2022 có 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh hoàn thành sử dụng HĐĐT.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của ngành Thuế từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đánh giá cao Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nỗ lực, sáng tạo triển khai HĐĐT theo 2 giai đoạn. Thủ tướng khẳng định, việc triển khai áp dụng HĐĐT góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia góp phần hướng tới xây dựng hệ sinh thái công dân số; đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thuế, ngành Tài chính, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành thuế với các Bộ, ngành, địa phương; triển khai HĐĐT phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu HĐĐT trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT đến người dân, doanh nghiệp; quan tâm công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp sử dụng các nền tảng dùng chung nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư và nhanh chóng hiện đại hóa…
Kim Xuyến
nguồn "CanTho Portal"